MỤC LỤC
Tác giả bài viết
Được viết và kiểm duyệt bởi Bác sĩ Phan Xuân Sơn, tốt nghiệp ĐH Y Dược Tp.HCM, có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lấy tuỷ răng. Thành viên Hội Răng-Hàm-Mặt Việt Nam (VOSA), đảm bảo rằng thông tin được cung cấp là chính xác, đáng tin cậy và cập nhật liên tục.
I. Giới thiệu.
Mang thai là một hành trình tuyệt vời, nhưng cũng đi kèm với nhiều thay đổi trong cơ thể, dễ gặp phải các vấn đề như nôn ói, đầy bụng, trào ngược dạ dày…và cả sức khỏe răng miệng khiến mẹ bầu vô cùng mệt mỏi. Các vấn đề như sâu răng, viêm nướu và thậm chí viêm tủy răng có thể xuất hiện do sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ. Điều này khiến nhiều mẹ bầu băn khoăn: “Liệu lấy tủy răng khi mang thai có an toàn?“.
Sức khỏe răng miệng đóng vai trò quan trọng trong suốt thai kỳ, không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn có thể tác động đến sự phát triển của thai nhi. Việc chăm sóc răng miệng đúng cách và điều trị kịp thời các vấn đề về răng là điều cần thiết.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề lấy tủy răng khi mang thai, những điều cần lưu ý, cũng như các phương pháp chăm sóc răng miệng an toàn và hiệu quả cho mẹ bầu.
Theo Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ – ADA, nguy cơ sâu răng có thể tăng lên trong thời kỳ mang thai nếu ăn nhiều đồ ngọt. Ốm nghén cũng có thể làm tăng nồng độ axit trong miệng, gây tổn thương lớp men răng [1]. Theo một nghiên cứu năm 2016, sâu răng là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tủy và hoại tử tủy. [2]
II. Điều Trị Lầy Tủy Răng Là Gì & Khi Nào Cần Lấy Tủy Răng.
Nhiều người thường e ngại khi nhắc đến điều trị tủy răng, phần lớn là do lo sợ đau đớn. Tuy nhiên, thực tế quy trình này không đáng sợ như bạn nghĩ. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về điều trị lấy tủy răng để hiểu rõ hơn về phương pháp này.
Khi nào cần điều trị tủy răng?
Điều trị tủy răng được chỉ định khi tủy răng, phần chứa dây thần kinh và mạch máu bên trong răng, bị viêm hoặc nhiễm trùng nặng. Nguyên nhân thường gặp là do sâu răng ăn sâu vào tủy hoặc răng bị nứt, gãy gây tổn thương tủy. Lúc này, bạn có thể gặp các triệu chứng như:
- Đau nhức răng dữ dội, kéo dài hoặc đau tăng lên khi ăn nhai.
- Răng ê buốt khi gặp nóng lạnh.
- Nướu sưng đỏ, có thể xuất hiện mủ.
- Răng đổi màu, trở nên sẫm màu hơn.
Quy trình điều trị tủy răng:
Điều trị trị tủy răng giúp loại bỏ vi khuẩn và mô tủy bị viêm nhiễm bên trong răng, từ đó bảo tồn răng thật thay vì phải nhổ bỏ [3].
Quy trình điều trị tủy răng theo hướng dẫn từ National Health Service (NHS), năm 2019 [4] như sau:
- Gây tê: Nha sĩ sẽ gây tê vùng răng cần điều trị để đảm bảo bạn không cảm thấy đau trong suốt quá trình.
- Mở đường vào tủy răng: Nha sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trên răng để tiếp cận tủy răng bị tổn thương.
- Lấy tủy răng: Tủy răng bị viêm hoặc nhiễm trùng sẽ được loại bỏ hoàn toàn bằng dụng cụ chuyên dụng.
- Làm sạch và tạo hình ống tủy: Đây là bước rất quan trọng. Nha sĩ sẽ làm sạch bằng natri hypoclorit, được chứng minh là hiệu quả hơn đáng kể so với nước muối sinh lý [5] để làm sạch ống tuỷ. Sau đó tạo hình ống tủy để chuẩn bị cho bước trám bít. Trâm dũa ống tuỷ bằng niken titan (NiTi) đạt được thành công cao hơn gấp 55 lần so với dũa thép không gỉ vì chúng duy trì hình dạng ống tủy ban đầu trong quá trình thao tác [6].
- Trám bít ống tủy: Ống tủy được trám bít bằng vật liệu chuyên dụng để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập trở lại.
- Phục hình răng: Trong một số trường hợp, răng sau khi điều trị tủy có thể cần được trám lại lỗ sâu hoặc bọc răng sứ để bảo vệ và phục hồi chức năng ăn nhai. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), nếu miếng trám lớn nhưng không còn đủ răng để giữ nó, mão răng sứ có thể giúp củng cố răng tốt hơn. [7]
Điều trị lấy tủy răng có đau không?
Như đã đề cập, quy trình điều trị tủy răng được thực hiện dưới tác dụng của thuốc tê, nên bạn sẽ không cảm thấy đau đớn. Cảm giác khó chịu sau khi hết thuốc tê cũng có thể được kiểm soát bằng thuốc giảm đau thông thường.
Theo nghiên cứu năm 2011, cho thấy chỉ có 17% người bệnh từng điều trị tủy răng miêu tả đó là “trải nghiệm nha khoa đau đớn” của họ. [9]
Lấy tủy răng giúp bảo tồn răng thật:
Điều trị tủy răng là phương pháp hiệu quả để cứu chữa răng bị tổn thương nặng, giúp bạn tránh phải nhổ bỏ răng. Răng sau khi điều trị tủy vẫn có thể sử dụng bình thường và duy trì chức năng ăn nhai.
III. Vậy, Mẹ Bầu Có Lấy Tủy Răng Được Không?
Vậy, câu hỏi đặt ra là: “Phụ nữ mang thai có thể điều trị tủy răng không?”. Câu trả lời là CÓ [9], nhưng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và ưu tiên sự an toàn cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, đây là một điều trị “bất đắc dĩ”. Bạn nên chăm sóc răng miệng thật tốt trong thời gian thai kỳ để tránh phải việc lấy tủy này.
1. Cân nhắc về An toàn:
Tia X:Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ, chụp X-quang nha khoa là an toàn khi mang thai. Tia X nha khoa phát ra liều lượng bức xạ rất thấp và đội ngũ y tế sẽ thực hiện các bước để giảm thiểu sự phơi nhiễm bằng cách định vị đúng vị trí chụp và tập trung chùm tia vào khu vực răng.
Theo Hiệp hội các nhà vật lý y học Hoa Kỳ, bạn không được coi là có nguy cơ gây tổn thương phóng xạ cho con cái trong tương lai khi chụp X-quang nha khoa. [10]
Thuốc tê: Một nghiên cứu của Tạp chí Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ năm 2015 đã kết luận rằng, gây tê tại chỗ không gây ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non [11]. Tuy nhiên, nhiều nha sĩ khuyên nên đợi đến tam cá nguyệt thứ hai đối với hầu hết các thủ thuật nha khoa có sử dụng thuốc tê.
Sử dụng thuốc uống: Mẹ bầu hoàn toàn có thể sử dụng những loại thuốc giảm đau thông thường mà không ảnh hưởng đến em bé. Trường hợp răng viêm nhiễm cần đến thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc với những loại phù hợp với tình trạng của mỗi bệnh nhân.
Rủi ro và biến chứng: Mặc dù điều trị tủy răng nói chung là an toàn, nhưng vẫn có một số rủi ro tiềm ẩn cần được cân nhắc, bao gồm nhiễm trùng, đau sau điều trị và trong một số trường hợp hiếm gặp, sinh non. Bác sĩ sẽ thảo luận kỹ lưỡng về các rủi ro này và đưa ra biện pháp phòng ngừa phù hợp.
2. Thời điểm lý tưởng để lấy tuỷ răng cho mẹ bầu:
Khi mang thai, mọi phương pháp điều trị đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi ở một mức độ nào đó và cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi, cơ thể mệt mỏi, sức khỏe yếu hơn. Chính vì thế điều trị tủy cho bệnh nhân đang mang thai cần có nhiều điều cẩn trọng. Ở mỗi giai đoạn mang thai có những phương pháp điều trị khác nhau:
Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ:
Tam cá nguyệt đầu tiên (tuần 1-13) là giai đoạn nhạy cảm nhất của thai kỳ đối với tất cả các điều trị y khoa, đặc biệt là lấy tuỷ răng, tiềm ẩn một số nguy cơ cho cả mẹ và bé:
Nguy cơ cho thai nhi:
Thai nhi đang trong quá trình hình thành các cơ quan quan trọng. Do đó, việc lấy tuỷ trong trong thời gian này cần là chống chỉ định, nếu không sẽ gây ra một số nguy cơ cho thai nhi như sau:
- Dị tật bẩm sinh: Mặc dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn, nhưng tia X trong nha khoa vẫn có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, đặc biệt là trong giai đoạn hình thành các cơ quan (từ tuần 3 đến tuần 8).
- Sảy thai hoặc sinh non: Một số loại thuốc tê, đặc biệt là thuốc có chứa epinephrine, có thể gây co mạch máu, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho thai nhi, tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
- Chậm phát triển: Stress và lo lắng của mẹ bầu trong quá trình làm răng có thể ảnh hưởng đến hormone và sức khỏe thai kỳ, dẫn đến chậm phát triển thai nhi.
Nguy cơ cho mẹ bầu:
Cơ thể người mẹ trong giai đoạn này có nhiều thay đổi để thích nghi với việc thai nhi hình thành và phát triển. Những cơn buồn nôn, đau đầu, tình trạng khó tiêu khiến mẹ nhạy cảm hơn với những tác động từ bên ngoài. Chữa tủy cần há miệng lâu, sử dụng nhiều dụng cụ trong miệng, việc này khiến mẹ bầu dễ ói và khó chịu. Việc lấy tuỷ răng khiến người mẹ dễ gặp phải cái nguy cơ:
- Nhiễm trùng: Lấy tuỷ răng vào giai đoạn này có thể làm răng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Tăng nguy cơ chảy máu: Do sự thay đổi hormone trong thai kỳ, nướu của mẹ bầu thường nhạy cảm và dễ chảy máu hơn. Việc làm răng có thể làm tình trạng này trầm trọng hơn.
- Phản ứng dị ứng: Mẹ bầu có thể nhạy cảm hơn với một số loại thuốc tê hoặc vật liệu nha khoa, dẫn đến phản ứng dị ứng mặc dù trước đó không bị.
Vì thế, mục đích điều trị giai đoạn này thường chỉ để giúp cho thai phụ hết đau mà không chữa tủy ngay.
Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ:
Tam cá nguyệt thứ hai (tuần 14-27) được coi là thời điểm an toàn hơn để thực hiện các thủ thuật nha khoa, bao gồm cả lấy tủy răng [12], so với 3 tháng đầu. Thời gian này, thai nhi đã hình thành và phát triển ổn định trong lòng tử cung của người mẹ, tình trạng ốm nghén cũng đã dần hết. Việc chữa tủy cũng dễ thực hiện hơn, nhưng vẫn tồn tại một số nguy cơ tiềm ẩn cần lưu ý:
Nguy cơ cho mẹ bầu:
- Tư thế nằm: Nằm ngửa trong thời gian dài có thể gây hội chứng hạ huyết áp tư thế, khiến mẹ bầu chóng mặt, buồn nôn. Nằm nghiêng trái là tư thế an toàn hơn.
- Stress và lo lắng: Sự lo lắng và căng thẳng trong quá trình điều trị có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
- Nhiễm trùng: Mặc dù nguy cơ nhiễm trùng thấp, nhưng vẫn có khả năng xảy ra nếu dụng cụ nha khoa không được khử trùng đúng cách.
Nguy cơ cho thai nhi:
- Tia X: Mặc dù được cho là an toàn [10] nhưng cần hạn chế chụp X-quang và sử dụng áo chì bảo vệ vùng bụng.
- Thuốc: Một số loại thuốc sử dụng trong nha khoa, chẳng hạn như kháng sinh tetracycline, có thể gây hại cho thai nhi. Nha sĩ cần lựa chọn thuốc an toàn cho bà bầu.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng nặng ở mẹ bầu có thể ảnh hưởng đến thai nhi, gây sinh non hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Cách giảm thiểu nguy cơ khi lấy tuỷ răng:
- Thông báo cho nha sĩ về tình trạng mang thai: Để nha sĩ lựa chọn phương pháp điều trị và thuốc phù hợp, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
- Lựa chọn nha sĩ có kinh nghiệm: Nha sĩ có kinh nghiệm điều trị cho bà bầu sẽ biết cách giảm thiểu nguy cơ và xử lý các tình huống phát sinh. Đồng thời nên tham khảo thêm ý kiến của Bác sĩ Nhi.
- Hạn chế sử dụng tia X: Chỉ chụp X-quang khi thật sự cần thiết và với liều lượng thấp nhất có thể, kết hợp áo chì bảo vệ vùng bụng.
- Lựa chọn thuốc tê an toàn: Tránh các loại thuốc tê có chứa epinephrine.
- Chú ý tư thế nằm: Nằm nghiêng trái để tránh chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, đảm bảo lưu thông máu tốt. [13]
Tóm lại, mặc dù có một số nguy cơ tiềm ẩn, nhưng nếu buộc phải lấy tuỷ răng trong 3 tháng giữa thai kỳ vẫn tương đối an toàn khi được thực hiện bởi nha sĩ có kinh nghiệm và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ:
Cơ thể mẹ bầu đã trở nên nặng nề, đi đứng hay ngồi lâu cũng gây mỏi mệt. Đồng thời mẹ bầu còn đối diện với những nguy cơ trước sinh như tiền sản giật, sinh sớm.. bụng lớn khiến mẹ nằm khó khăn hơn trong lúc điều trị. Nếu mẹ bầu bị đau nhức răng trong giai đoạn này, bác sĩ thường sẽ có những biện pháp điều trị tạm thời, đợi sau khi sinh mới lấy tủy răng tiếp.
Ở bất kì giai đoạn nào, việc điều trị hay trì hoãn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Nếu tủy răng viêm, áp xe nhiễm trùng nặng cần được điều trị sớm để tránh tình trạng nặng hơn, gây ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt của người mẹ. Ngược lại, tình trạng răng không quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể đặt thuốc để trì hoãn việc lấy tủy đến thời điểm thích hợp hơn.
IV. Các lựa chọn giảm đau thay thế khi mẹ bầu chưa thể lấy tuỷ răng:
Dưới đây là một số phương pháp giảm đau răng an toàn cho mẹ bầu khi chưa thể lấy tuỷ răng:
- Chườm lạnh: Chườm túi đá hoặc khăn lạnh lên vùng má bên ngoài răng đau trong khoảng 15-20 phút, lặp lại nhiều lần trong ngày. Giúp giảm sưng và tê liệt tạm thời cơn đau.
- Nước muối ấm: Súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng vài lần trong ngày. Giúp sát khuẩn, giảm viêm và giảm đau nhẹ.
- Tinh dầu đinh hương: Nhỏ vài giọt tinh dầu đinh hương lên bông gòn và đặt vào chỗ răng đau. Tinh dầu đinh hương có tính sát khuẩn và giảm đau tự nhiên.
- Tỏi: Giã nát một tép tỏi và đắp lên chỗ răng đau. Tỏi có tính kháng khuẩn và giảm đau.
- Nghệ: Trộn bột nghệ với nước ấm thành hỗn hợp sệt và đắp lên chỗ răng đau. Nghệ có tính kháng viêm và giảm đau.
Thuốc giảm đau an toàn cho bà bầu:
- Paracetamol (acetaminophen): Là lựa chọn an toàn nhất cho bà bầu trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, cần tuân thủ liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
(Nghiên cứu của NIH-Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ về sử dụng thuốc trong thai kỳ không tìm thấy mối liên quan đáng kể giữa paracetamol và nguy cơ sinh non, nhẹ cân hoặc nhỏ so với tuổi thai. Nguồn nghiên cứu: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9015137/)
- Ibuprofen: Có thể sử dụng trong thời gian ngắn và với liều lượng thấp theo chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý:
- Không tự ý sử dụng thuốc giảm đau: Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc không kê đơn.
- Tránh các loại thuốc giảm đau có chứa aspirin, ibuprofen (liều cao) hoặc codeine. Những loại thuốc này có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
- Kết hợp các phương pháp giảm đau tại nhà: Để tăng hiệu quả giảm đau và hạn chế sử dụng thuốc.
- Thăm khám nha sĩ: Nếu cơn đau kéo dài hoặc nghiêm trọng, cần đến nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
V. Biện pháp phòng ngừa và mẹo vệ sinh răng miệng cho mẹ bầu:
Khi có kế hoạch mang thai, bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát nói chung cũng như kiểm tra sức khỏe răng miệng nói riêng. Thai nghén là quá trình dài, hãy chuẩn bị thật tốt để hạn chế tối đa những yếu tố có thể gây bất lợi đến bạn.
+ Kiểm tra răng định kì: đây là hoạt động đơn giản có thể giúp bạn kiểm tra tổng quát tình trạng răng miệng
+ Cạo vôi răng: thông thường mỗi 6 tháng bạn nên cạo vôi 1 lần. Khi mang thai việc ăn uống thường chia làm nhiều bữa nhỏ, dễ gây mảng bám tích tụ trên răng hơn. Bạn có thể cân nhắc việc tới nha khoa sớm hơn để kiểm tra và làm sạch răng, tránh để tình trạng viêm nướu, viêm nha chu.
+ Phát hiện và trám răng sâu sớm: khi phát hiện có răng sâu, bạn nên điều trị sớm. Tránh để sâu lâu ngày dẫn đến viêm tủy cấp. Điều trị sẽ khó khăn hơn.
+ Kiểm tra tình trạng răng khôn: nếu răng khôn đang mọc, nên xử lí sớm vì răng khôn mọc lệch, mọc ngầm gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến ăn nhai & sinh hoạt của mẹ bầu. Việc điều trị cũng rất khó khăn.
+ Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: thai nhi cần nguồn dinh dưỡng từ mẹ để phát triển, canxi, sắt, vitamin là những chất thường hay thiếu hụt trong quá trình thai nghén. Mẹ nên bổ sung đầy đủ những vi chất này đặc biệt là Canxi vì khi thiếu, em bé sẽ lấy trực tiếp từ trong xương của người mẹ, dẫn đến tình trạng đau lưng, men răng bị yếu, dễ bị sâu, mẻ. Bổ sung vitamin C giúp các mạch máu khỏe mạnh, giảm tình trạng chảy máu chân răng khi mang thai.
Ngoài ra, mẹ bầu cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích từ Healthline [14]:
- Ưu tiên chăm sóc răng miệng: Dù mệt mỏi, uể oải, bạn cũng đừng quên đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày, mỗi lần 2 phút, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Sử dụng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần để loại bỏ mảng bám giữa các kẽ răng.
- Nên tham khảo ý kiến nha sĩ để lựa chọn loại kem đánh răng phù hợp cho bà bầu.
- Sử dụng nước súc miệng: Nước súc miệng chứa flourua cũng giúp bảo vệ răng miệng, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng loại không chứa cồn.
- Khắc phục ốm nghén: Nếu bị ốm nghén, hãy súc miệng bằng nước hoặc nước muối sinh lý sau khi nôn để trung hòa axit dạ dày, tránh gây hại cho men răng. Không đánh răng ngay sau khi nôn vì lúc này men răng đang yếu, dễ bị tổn thương. Hãy đợi ít nhất 30 phút rồi mới đánh răng.
- Tham khảo ý kiến chuyên gia: Hãy thông báo cho nha sĩ biết bạn đang mang thai để được tư vấn về lịch trình chăm sóc răng miệng phù hợp. Nha sĩ có thể đề nghị bạn đến khám và vệ sinh răng miệng thường xuyên hơn trong thai kỳ. Đồng thời, bạn cũng nên kiểm tra với công ty bảo hiểm y tế để biết các chính sách hỗ trợ chăm sóc răng miệng cho bà bầu.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế đồ ngọt, nước ngọt có ga và tinh bột vì chúng là những tác nhân chính gây sâu răng.
Chăm sóc răng miệng tốt không chỉ giúp bạn có hàm răng chắc khỏe, nụ cười rạng rỡ suốt thai kỳ mà còn tạo nền tảng sức khỏe răng miệng tốt cho cả mẹ và bé sau này.
Trên đây là những giải đáp nhỏ liên quan đến vấn đề chữa tủy khi mang thai. Bất cứ khi nào gặp vấn đề về răng miệng, hãy đến nha khoa sớm nhất để bác sỹ kiểm tra và đưa ra hướng điều trị thích hợp cho mỗi trường hợp.
Thông tin liên hệ của chúng tôi:
- Hotline tư vấn và đặt lịch: 0913121713
- Số 6 Nguyễn Cửu Đàm P.Tân Sơn Nhì Q.Tân Phú
- Thời gian làm việc : thứ 2- thứ 7 , 8-12h,14-20h, CN nghỉ
Nha Khoa 3T là địa chỉ lấy tuỷ răng tại TP. Hồ Chí Minh, được Sở Y Tế TP.HCM cấp giấy phép hoạt động hành nghề khám chữa bệnh số 07688/HCM-GPHĐ (được phép thực hiện thủ thuật lấy tuỷ răng)
Tài liệu tham khảo:
- Is it safe to go to the dentist during pregnancy? (n.d.).
https://www.mouthhealthy.org/en/pregnancy/concerns - Rechenberg D-K, et al. (2016). Biological markers for pulpal inflammation: A systematic review.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5127562/ - What is a root canal? (n.d.). https://www.aae.org/patients/root-canal-treatment/what-is-a-root-canal/
- How it is performed: Root canal treatment. (2019).
https://www.nhs.uk/conditions/root-canal-treatment/what-happens/ - Siqueira JF, Jr, Rocas IN. Chemo mechanical reduction of the bacterial population in the root canal after instrumentation and irrigation with 1%, 2.5%, and 5.25% sodium hypochlorite. J Endod. 2000;26:331–334. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11199749
- Pedullà E., Kharouf N., Caruso S., La Rosa G.R.M., Jmal H., Haikel Y., Mancino D. Torsional, Static, and Dynamic Cyclic Fatigue Resistance of Reciprocating and Continuous Rotating Nickel-Titanium Instruments. J. Endod. 2022;48:1421–1427. doi: 10.1016/j.joen.2022.08.005. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35987386
American Dental Association. (n.d.). Crowns. https://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/c/crowns
- Pak JG, et al. (2011). Pain prevalence and severity before, during, and after root canal treatment: A systematic review. https://www.aae.org/specialty/wp-content/uploads/sites/2/2017/07/ecfeacutedentalpainbonus1.pdf
- Can I get a root canal during pregnancy? 25 January 2024. https://coppertopsurgery.co.uk/can-i-get-a-root-canal-during-pregnancy/
- Patient Gonadal and Fetal Shielding in Diagnostic Imaging Frequently Asked Questions. https://www.aapm.org/org/policies/documents/CARES_FAQs_Patient_Shielding.pdf
- Pregnancy outcome after in utero exposure to local anesthetics as part of dental treatment A prospective comparative cohort study Aharon Hagai, DMD Orna Diav-Citrin, MD Svetlana Shechtman, PhD Asher Ornoy, MD, 2015. https://jada.ada.org/article/S0002-8177(15)00433-X/abstract
- Endodontic treatment of the pregnant patient: Knowledge, attitude and practices of dental residents Louis Ibhawoh and Joan Enabulele , 2015. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4698844/
- Endodontic treatment during pregnancy: case series and literature review. https://www.scielo.br/j/rgo/a/Xh8XLrKqCBRpTTBHNcQ5bhC/
- Why Teeth Pain During Pregnancy Is a Thing — and What You Can Do About It, 2019. https://www.healthline.com/health/pregnancy/pregnancy-teeth-pain