img

Răng Bị Nứt Có Cần Điều Trị Không?

Sản phẩm của Nha Khoa 3T.

Cập nhập lần cuối: Ngày 16/06/2024

Tác giả bài viết: Bác sĩ Phan Xuân Sơn, có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nha khoa, trong đó hơn 5 năm chuyên sâu phục hình răng. Trong suốt quá trình công tác, bác sĩ Sơn đã điều trị thành công cho hơn 2000 ca bệnh liên quan đến vôi răng, giúp họ lấy lại hàm răng chắc khỏe và nụ cười tự tin.

Xem thêm: Về Bác sĩ Phan Xuân Sơn

I. Giới thiệu

Răng bị nứt là tình trạng phổ biến, có những vết nứt vô hại nhưng lại có những vết nứt tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các bệnh lý răng miệng dẫn đến mất răng nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng này thường do nhiều nguyên nhân, bao gồm thói quen ăn uống, nghiến răng, yếu tố di truyền và lão hóa.

Răng bị nứt phải làm sao

II. Nguyên Nhân Gây Nứt Răng

Răng có thể bị nứt do nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Lực cắn lớn hoặc nghiến răng: Lực cắn bình thường ở người dao động trong khoảng từ 3 đến 30 kg [1] ; do đó, khi răng phải chịu lực vượt quá phạm vi này, chẳng hạn như nhai các vật cứng, xác suất cấu trúc răng bị hỏng sẽ tăng lên. Áp lực từ nghiến răng, đặc biệt là vào ban đêm, cũng có thể tạo ra những vết nứt nhỏ trên bề mặt răng.
  • Trám răng quá lớn: Trám răng quá lớn có thể làm suy yếu cấu trúc răng, khiến răng dễ bị nứt hơn.
  • Ăn thức ăn cứng: Nhai hoặc cắn thức ăn cứng như đá, hạt, kẹo cứng có thể tạo áp lực lớn lên răng, dẫn đến nứt răng.
  • Chấn thương: Va đập mạnh vào miệng do tai nạn giao thông, chấn thương thể thao, té ngã hoặc thậm chí là đánh nhau cũng có thể khiến răng bị nứt.
  • Thay đổi nhiệt độ đột ngột: Ăn thức ăn quá nóng sau đó uống nước lạnh ngay lập tức có thể tạo ra sự thay đổi nhiệt độ đột ngột trong miệng, khiến răng bị nứt. [1]
  • Lão hóa: Tuổi tác là một trong những yếu tố quan trọng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng răng bị nứt chủ yếu xảy ra ở những người > 40 tuổi [2]. Khi tuổi càng cao, mức độ mỏi của răng càng tăng, các mô cứng trở nên giòn và độ đàn hồi của ngà răng cũng bị mất đi. Do đó, khi lực tác dụng lên răng vượt quá giới hạn đàn hồi của ngà răng, răng sẽ bị nứt.
Răng bị nứt sau khi lấy tuỷ do nhai đồ cứng

III. Các Loại Nứt Răng Và Biểu Hiện

Răng nứt có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, mỗi loại lại có mức độ nghiêm trọng và cách điều trị khác nhau. Phân loại răng nứt gãy được sử dụng phổ biến nhất được cung cấp bởi Hiệp Hội Nội nha Hoa Kỳ [3] như sau:

  1. Đường nứt men răng (Craze lines): Đây là những vết nứt rất nhỏ trên men răng (lớp phủ cứng bên ngoài của răng). Chúng không gây đau và không cần điều trị.
  2. Nứt múi răng (Fractured cusp): Loại nứt này thường xảy ra xung quanh chỗ trám răng. Nó thường không ảnh hưởng đến tủy răng (phần mềm trung tâm của răng, nơi có dây thần kinh, mô liên kết và mạch máu) và do đó không gây ra nhiều đau đớn. Điều trị thường là trám răng hoặc bọc răng sứ để bảo vệ và phục hồi hình dạng răng.
  3. Nứt kéo dài đến đường viền nướu: Răng bị nứt theo chiều dọc, chạy qua thân răng nhưng chưa đến đường viền nướu thường có thể cứu được. Tuy nhiên, nếu vết nứt kéo dài đến đường viền nướu, răng đó có thể cần phải nhổ bỏ. Điều trị kịp thời mang lại cơ hội tốt nhất để cứu răng. Bọc răng sứ hoặc điều trị tủy răng có thể được xem xét tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.
  4. Răng bị chẻ đôi (Split tooth): Đây là răng bị nứt từ bề mặt đến dưới đường viền nướu. Nó thực sự có thể bị tách thành hai phần riêng biệt. Với một vết nứt lớn như vậy, không chắc toàn bộ răng có thể được cứu, nhưng nha sĩ có thể cứu được một phần của nó. Nhổ bỏ một phần hoặc toàn bộ răng có thể là cần thiết, sau đó có thể phục hình bằng cầu răng hoặc cấy ghép implant.
  5. Nứt chân răng theo chiều dọc (Vertical root fracture): Loại nứt này bắt đầu từ dưới đường viền nướu và chạy lên trên. Nó thường không tạo ra nhiều triệu chứng, trừ khi răng bị nhiễm trùng. Rất có thể răng sẽ phải nhổ bỏ.
Phân Loại Răng Bị Nứt Theo Hiệp Hội Nội Nha Hoa Kỳ

IV. Triệu chứng thường gặp khi bị răng bị nứt

Răng cửa bị nứt không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ nụ cười, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các bệnh lý răng miệng khác nhau. Răng bị nứt có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ và vị trí của nứt. Nếu nứt chỉ ở một vị trí nhỏ trên răng và không ảnh hưởng đến tuỷ răng hay mô mềm bên trong. Không phải lúc nào răng bị nứt cũng có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi xuất hiện, các triệu chứng thường gặp bao gồm: 

  • Vết nứt nhỏ chưa làm mất men răng thì hoàn toàn không ảnh hưởng gì. 
  • Vết nứt trung bình có thể gây đau khi nhai hoặc cắn, đặc biệt là nhạy cảm với nhiệt độ, chẳng hạn như thức ăn nóng, lạnh hoặc ngọt. [4]
  • Vết nứt lớn hơn hoặc ảnh hưởng đến dây thần kinh hay tuỷ răng bên trong, thì có thể gây ra đau nhức, cơn đau đến rồi đi, hiếm khi đau liên tục. 
  • Vết nứt kéo dài xuống chân răng có thể làm nướu bị sưng xung quanh răng bị ảnh hưởng, nhiễm trùng xương hàm thậm chí có nguy cơ mất răng. Trong mọi trường hợp, bạn nên đi khám nha khoa để được khám và điều trị kịp thời.

V. Chẩn Đoán Răng Bị Nứt

Việc chẩn đoán răng nứt đôi khi gặp khó khăn vì không phải lúc nào chụp X-quang cũng phát hiện được, và không phải ai cũng có triệu chứng điển hình. Để chẩn đoán chính xác, nha sĩ thường sẽ thực hiện các bước sau:

  1. Hỏi bệnh sử răng miệng: Nha sĩ sẽ hỏi về tiền sử răng miệng của bạn, chẳng hạn như bạn có thường xuyên nhai thức ăn cứng hoặc nghiến răng hay không.
  2. Khám lâm sàng: Nha sĩ sẽ kiểm tra trực quan bằng mắt thường, đôi khi sử dụng kính lúp nha khoa để quan sát kỹ các vết nứt nhỏ.
  3. Sử dụng dụng cụ thăm khám: Nha sĩ có thể sử dụng dụng cụ thăm khám nha khoa để di chuyển xung quanh răng, kiểm tra xem có bị “vướng” vào cạnh nào không.
  4. Sử dụng thuốc nhuộm nha khoa: Thuốc nhuộm nha khoa có thể giúp làm nổi bật vết nứt, giúp nha sĩ quan sát rõ hơn.
  5. Kiểm tra nướu: Nha sĩ sẽ kiểm tra nướu xem có bị viêm hay không. Kỹ thuật này đặc biệt hữu ích trong việc xác định các vết nứt dọc, thường gây kích ứng nướu.
  6. Chụp X-quang: Mặc dù không phải lúc nào cũng phát hiện được vết nứt, nhưng X-quang có thể cho thấy tình trạng sức khỏe của tủy răng, từ đó gợi ý về khả năng tồn tại vết nứt.
  7. Cho bạn cắn chặt: Nha sĩ có thể yêu cầu bạn cắn chặt vào một vật gì đó. Nếu bạn bị nứt răng, bạn có thể cảm thấy đau khi nhả ra.

Việc chẩn đoán sớm và chính xác là rất quan trọng để có phương án điều trị kịp thời, bảo tồn răng tối đa và tránh những biến chứng nguy hiểm.

VI. Điều Trị Răng Bị Nứt, Lựa Chọn Phù Hợp Cho Bạn

Phương pháp điều trị răng nứt phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Kích thước vết nứt: Vết nứt nhỏ, nông có thể không cần điều trị, trong khi vết nứt lớn, sâu có thể cần đến các biện pháp phức tạp hơn.
  • Vị trí vết nứt: Vết nứt trên bề mặt nhai sẽ khác với vết nứt ở kẽ răng hoặc gần nướu.
  • Triệu chứng: Đau nhức, ê buốt khi nhai hoặc tiếp xúc với đồ nóng, lạnh là dấu hiệu cho thấy vết nứt đã ảnh hưởng đến cấu trúc bên trong răng.
  • Mức độ lan rộng: Vết nứt lan đến nướu có nguy cơ gây viêm nhiễm và cần được điều trị sớm.

Dựa trên các yếu tố trên, nha sĩ có thể đề nghị một trong những phương pháp điều trị sau:

1. Trám răng (Bonding):

  • Thực hiện: Nha sĩ sử dụng nhựa composite – vật liệu có màu sắc tương đồng răng – để lấp đầy vết nứt.
  • Ưu điểm: Nhanh chóng, đơn giản, ít xâm lấn, bảo tồn răng thật tối đa.
  • Khuyết điểm: Độ bền không cao, có thể cần thay thế sau vài năm.
  • Thích hợp cho: Vết nứt nhỏ, nông, không ảnh hưởng đến tủy răng.

2. Bọc răng sứ (Crown):

  • Thực hiện: Mài một lớp men răng để tạo không gian cho răng sứ, lấy dấu răng, chế tạo mão sứ tại phòng labo, sau đó gắn cố định mão sứ lên răng.
  • Ưu điểm: Độ bền cao, thẩm mỹ tốt, bảo vệ răng toàn diện.
  • Khuyết điểm: Mất thời gian, chi phí cao hơn trám răng, phải mài bớt răng thật.
  • Thích hợp cho: Vết nứt lớn, sâu, ảnh hưởng đến hình dáng và chức năng răng.

Công nghệ hiện đại cho phép chế tạo mão sứ ngay tại phòng khám, rút ngắn thời gian điều trị.

3. Điều trị tủy (Root canal):

  • Thực hiện: Loại bỏ phần tủy răng bị viêm nhiễm, làm sạch và trám bít ống tủy.
  • Ưu điểm: Ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng, bảo tồn răng thật.
  • Khuyết điểm: Mất nhiều thời gian, chi phí cao hơn trám răng.
  • Thích hợp cho: Vết nứt lan đến tủy răng, gây viêm tủy.

4. Nhổ răng (Extraction):

  • Thực hiện: Lấy bỏ răng khỏi xương hàm.
  • Ưu điểm: Loại bỏ hoàn toàn răng bị tổn thương.
  • Khuyết điểm: Mất răng thật, cần phục hình Implant hoặc cầu răng sau khi nhổ.
  • Thích hợp cho: Răng bị nứt vỡ nghiêm trọng, không thể phục hồi.

5. Theo dõi (No treatment):

  • Thích hợp cho: Vết nứt nhỏ trên men răng, không gây đau nhức, không ảnh hưởng đến chức năng nhai.
  • Lưu ý: Khám răng định kỳ để theo dõi tình trạng vết nứt.
Vết nứt răng không cần điều trị

VII. Chi Phí Điều Trị Răng Nứt

Chi phí điều trị răng nứt có thể dao động đáng kể tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết nứt, vị trí địa lý và nha khoa bạn lựa chọn. Thông thường, chi phí điều trị răng ở các thành phố lớn sẽ cao hơn so với các khu vực khác.

Dưới đây là ước tính chi phí cho một số phương pháp điều trị răng nứt phổ biến:

  • Trám răng: Khoảng 200.000 – 700.000 VNĐ. Chi phí trám răng phụ thuộc vào độ phức tạp của vết nứt và loại vật liệu trám được sử dụng.
  • Bọc răng sứ: Khoảng 1.000.000 – 6.000.000 VNĐ/răng. Chi phí bọc răng sứ phụ thuộc vào chất liệu chế tạo mão sứ (kim loại, sứ kim loại, toàn sứ) và kỹ thuật thực hiện.
  • Điều trị tủy: Khoảng 500.000 – 2.500.000 VNĐ. Tuỳ thuộc vào vị trí răng cần điều trị tủy (răng cửa, răng hàm) và số lượng ống tủy cũng ảnh hưởng đến chi phí.
  • Nhổ răng: Khoảng 300.000 – 800.000 VNĐ. Nhổ răng khôn thường có chi phí cao hơn nhổ răng thông thường.

Lưu ý:

– Đây chỉ là chi phí ước tính, chi phí thực tế có thể thay đổi.
– Hãy liên hệ phòng khám và nhận báo giá chính xác cho trường hợp cụ thể của bạn.
– Một số bảo hiểm y tế có thể chi trả một phần chi phí điều trị răng nứt.

VIII. Biến chứng có thể gặp phải khi bị nứt răng

Nhiễm trùng là biến chứng nghiêm trọng nhất của răng nứt, có thể lan đến xương hàm và nướu, thậm chí gây viêm tủy răng, áp xe răng, nhiễm trùng huyết và u nang xương hàm. [5]

Dấu hiệu nhiễm trùng răng bao gồm:

  • Sốt
  • Đau nhức khi nhai
  • Nướu sưng đỏ
  • Nhạy cảm với thức ăn nóng lạnh
  • Hạch bạch huyết ở cổ sưng đau
  • Hơi thở có mùi hôi

Khi nhiễm trùng đã lan vào xương hàm thì nguy cơ dẫn đến mất răng rất cao.

IX. Phòng Ngừa Bị Răng Nứt

Bạn không thể tự điều trị răng nứt tại nhà, nhưng có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:

  1. Vệ sinh răng miệng tốt: Đánh răng hai lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa hàng ngày và khám nha sĩ định kỳ 6 tháng/lần giúp ngăn ngừa sâu răng và các vấn đề răng miệng khác.
  2. Hạn chế ăn đồ cứng: Tránh nhai đá, kẹo cứng, hạt cứng và các loại thực phẩm cứng để giảm áp lực lên răng.
  3. Đeo máng bảo vệ răng: Sử dụng máng bảo vệ khi chơi thể thao va chạm và khi ngủ nếu bạn nghiến răng. [6]
  4. Khám nha sĩ khi có dấu hiệu bất thường: Nếu nghi ngờ bị nứt răng, hãy súc miệng bằng nước ấm, chườm lạnh bên ngoài má để giảm sưng. Bạn có thể dùng thuốc giảm đau kháng viêm (ibuprofen) theo hướng dẫn của bác sĩ. Quan trọng nhất, hãy đặt lịch hẹn với nha sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

X. Tài liệu tham khảo.

Nha Khoa 3T rất cẩn trọng trong việc chọn nguồn thông tin. Chúng tôi chỉ sử dụng các nguồn uy tín như nghiên cứu khoa học được các chuyên gia đánh giá, các tổ chức nghiên cứu uy tín, các tạp chí y khoa và các hiệp hội y tế. Chúng tôi không sử dụng thông tin từ các nguồn không đáng tin cậy. 
Để đảm bảo tính minh bạch, chúng tôi cung cấp liên kết đến các nguồn chính như nghiên cứu, tài liệu tham khảo khoa học và thống kê trong mỗi bài viết. Bạn cũng có thể tìm thấy danh sách đầy đủ các nguồn này trong phần tài liệu tham khảo ở cuối bài viết. 
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách chúng tôi đảm bảo nội dung chính xác, bạn có thể đọc [Quy trình sản xuất và kiểm duyệt nội dung]
  1. Qiao F., Chen M., Hu X., et al. Cracked teeth and poor oral masticatory habits: a matched case-control study in China. Journal of Endodontics . 2017;43(6):885–889. doi: 10.1016/j.joen.2017.01.007. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28416310
  2. Alsani A., Balhaddad A., Nazir M. A. Vertical root fracture: a case report and review of the literature. Giornale Italiano di Endodonzia . 2017;31(1):21–28. doi: 10.1016/j.gien.2016.12.001. https://doi.org/10.1016%2Fj.gien.2016.12.001
  3. Endodontists AAo. Endodontics: colleagues for excellence-Cracking the cracked tooth code. 1997. https://www.aae.org/specialty/wp-content/uploads/sites/2/2017/07/ecfesum08.pdf
  4. Signore A., Benedicenti S., Covani U., Ravera G. A 4- to 6-year retrospective clinical study of cracked teeth restored with bonded indirect resin composite onlays. International Journal of Prosthodontics . 2007;20(6):609–16. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18069370
  5. Ricucci D., Siqueira J. F., Loghin S., Berman L. H. The cracked tooth: histopathologic and histobacteriologic aspects. Journal of Endodontics . 2015;41(3):343–352. doi: 10.1016/j.joen.2014.09.021. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25447500
  6. Green J. I. Prevention and management of tooth wear: the role of dental technology. Primary Dental Journal . 2016;5(3):30–34. doi: 10.1177/205016841600500302. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28826461